Các chiêu bài tiếp thị gas thời công nghệ số
“Em là người bên công ty gas. Chị làm ơn cho em vào kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị gas nhà mình". Chủ nhà chưa kịp phản ứng, người thanh niên độ 19-20 tuổi xăm xăm bước vào bếp. Anh ta lột tất cả những mẩu giấy cũ dán trên bình gas và thay vào đó là tờ quảng cáo mới của một cửa hàng khác.
Tình trạng tiếp thị gas kiểu "ép" người tiêu dùng một cách quá đáng thế này đang diễn ra khá phổ biến ở khắp các ngõ ngách của Hà Nội. Chị Hương, trú tại nhà số 6B, ngõ 81 Đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội kể, thứ Bảy tuần trước, chị đang dọn dẹp nhà cửa thì một cậu thanh niên bấm chuông và nói cần vào nhà để kiểm tra ống dẫn gas.Khi vào đến bếp, chẳng nhìn ngó gì đến cái ống dẫn gas, thay vào đó, cậu thanh niên dán cho chị một chiếc tem bảo hành lên bình gas. Thấy cách làm việc không được đàng hoàng, chị Hương nghi ngờ và yêu cầu dừng lại nhưng không kịp. Cậu thanh niên nhanh tay dán tiếp mẩu giấy nhỏ (sticker) có ghi số điện thoại của một hãng gas khác đè lên số của công ty đang cung cấp cho gia đình chị. "Tôi lột mảnh giấy ra thì đã không nhìn thấy các dữ liệu trước đó", chị nói. Theo chị, cái sticker mới mà người thanh niên dán có logo của Công ty Petrolimex, và dòng chữ Trung tâm Phân phối Gas và Bếp Gas Bảo Việt cùng 2 số điện thoại 04.757 4xxx và 04. 757 4xxx.
Cách đây 1 tháng, anh Hạnh, ở Cầu Diễn, Từ Liêm Hà Nội cũng gặp cảnh tương tự. Hôm ấy, nhà anh có khách, đang đun nấu thì bếp hết gas. Theo thói quen anh bấm máy gọi cho nhà cung cấp theo số điện thoại ghi ở sticker dán cạnh bếp. 15, 20 rồi 45 phút trôi qua vẫn không thấy bóng dáng người đưa gas đến. Sốt ruột, anh bấm máy gọi lại thì được người trực máy trả lời do nhà anh quá xa, đường đi khó tìm, nhân viên không tìm thấy nên đã quay về.
"Lúc đó quá muộn nên tôi đành sang nhà hàng xóm để xin số điện thoại của một đại lý gas khác", anh nói. Mấy ngày sau anh mới vỡ lẽ sở dĩ có hiện tượng "quái dị" này là do chị giúp việc lỡ cho nhân viên tiếp thị gas vào nhà để kiểm tra bình và phát phiếu bảo dưỡng.
Thời gian gần đây, các công ty, đại lý, cửa hàng kinh doanh gas mọc lên như nấm, nào là Hài Nam, Hàn - Long, Long Vân, Chữ Tín, Bếp Việt... Thậm chí những cửa hàng chuyên bán đồ khô cũng kiêm luôn đại lý bán gas, chưa kể hàng nghìn điểm bán gas trái phép khác nằm trên địa bàn. Thị trường bão hòa, cạnh tranh cũng quyết liệt hơn, chính vì thế, các chương trình khuyến mãi, tiếp thị thi nhau đua nở.
Không chỉ tiếp thị bằng lời nói, đại lý còn lôi kéo, dụ dỗ khách hàng bằng chiêu khuyến mại, tặng quà. Nhân viên tiếp thị đến từng hộ dân, lúc đầu phát tờ rơi, sau đó kèm theo các món quà như xoong, nồi hay nước rửa chén bát, lót nồi. Thậm chí, có những "nhân viên" còn tìm cách len lỏi vào trong bếp rồi lợi dụng lúc chủ nhà không để ý làm hỏng van gas và lôi van mới ra lắp với giá 30.000-40.000 đồng.
Tuy nhiên, khi giải thích về cách thức tiếp thị này, nhiều chủ đại lý tỏ ra không hề biết gì về cách làm việc của nhân viên mình. Chủ một đại lý gas trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết, khi đưa ra một chương trình khuyến mãi, hay kế hoạch quảng bá sản phẩm, công ty giao khoán cho nhân viên và trong một thời gian nhất định họ phải phát triển được một số khách hàng. Cách thức làm việc như thế nào thì do nhân viên và nhóm bán hàng tự thống nhất, với điều kiện là không để khách hàng phàn nàn về nhà cung cấp.
Còn đại diện Tổng đại ký Gas và Bếp gas Hoài Nam số 4 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội thì cho rằng, ở thời buổi "vạn người bán mới có trăm người mua này", để cạnh tranh thì ngoài việc hạ giá thành, không còn cách nào khác người bán phải tung ra các chương trình khuyến mãi để tiếp cận người tiêu dùng. "Chúng tôi phản đối cách ép khách quá đáng nhưng cũng không thể cấm cách thức tiếp thị tận nhà. Việc lựa chọn nhà cung cấp nào quyết định vẫn thuộc về khách hàng", ông này nói.
Tuy nhiên, các đại lý cửa hàng đã làm ăn lâu năm thì lại coi đây là kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Theo chị Giang, Chủ cửa hàng kinh doanh gas Hồ Liễu đường Nguyễn Trãi Hà Nội, việc dán đề đè tên mình lên biển của hãng cung cấp gas khác không được chủ nhà cho phép là một hành động cần lên án. Đây là cách "cướp khách" xuất phát từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh. "Chính vì vậy, để tránh cho khách hàng khỏi phiền hà, khi đưa hàng, chúng tôi thường dặn chủ nhà nhớ ghi lại số điện thoại, số bình và một số ký hiệu khác vào cuốn sổ gia đình để họ không bị mất liên lạc", chị Giang nói.
Anh Phong, chủ cửa hàng gas trên đường Láng Hạ thì phàn nàn: "Không chỉ dùng cách tiếp thị kiểu ép khách, thậm chí chúng tôi biết đích xác cửa hàng ấy sang chiết gas lậu nhưng không thể làm gì được. Gas lậu làm chúng tôi bao lần phải điêu đứng. Ngày trước cửa hàng tôi rất đông người đến đặt hàng. Nhưng được một thời gian thì nhân viên các cửa hàng đại lý "ma" đến tận nhà tiếp thị và chúng tôi dần mất khách. Cách thức làm ăn của những cửa hàng này rất tinh vi, thậm chí, họ còn làm giả cả van bình của Shell gas rồi đem đi bán với giá cao gấp đôi”.
Theo Giám đốc Công ty Gia Đình gas Nguyễn Minh Loan, hiện nay, các công ty chỉ làm nhiệm vụ phân phối sản phẩm cho các đại lý cấp I, II và quy định giá bán. Còn cạnh tranh và cách thức hoạt động như thế nào thì do các cửa hàng đại lý làm. Theo ông, nhu cầu tiêu dùng được dự báo tiếp tục tăng nên các đại lý cửa hàng cũng không ngừng mọc lên, để cạnh tranh, họ không còn cách nào khác là nghĩ là các chiêu tiếp thị "đôi lúc hơi thái quá".
Theo ông do hệ thống phân phối gas quá dày đặc, người tiêu dùng khi cần đến sản phẩm chỉ cần gọi điện, sau vài phút là có hàng tới tận tay nên việc kiểm soát chất lượng giá cả rất khó khăn. Chính vì vậy, Nhà nước nên sớm ban hành quy chế kinh doanh gas hiệu quả để tránh tình trạng sang gas lậu, từ đó, sản phẩm đến tay người tiêu dùng được đảm bảo cả về chất lượng và số lượng.
Để hạn chế cảnh "bát nháo trên thị trường gas", mới đây UBND TP HCM đã có quyết định ngưng cấp phép đăng ký dịch vụ cung cấp gas mới cho các cửa hàng. Theo Vụ trưởng Chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại Hoàng Thọ Xuân, tới đây, cách thức này cũng sẽ được áp dụng ở nhiều địa phương trên toàn quốc trong đó có Hà Nội.